Giải đề thi cuối kỳ 2 lớp 8 môn Sinh năm học 2020-2021 Phòng Giáo dục và Đào tạo Phong Điền

Câu 1: (3,0 điểm) Trình bày cấu tạo của da? Vì sao khi làm căn cước công dân (giấy chứng minh nhân dân trước đây) bắt buộc phải lấy vân tay?

Câu 2: (2,0 điểm) Nêu các tật của mắt. Em hãy nêu nguyên nhân, cách khắc phục.

Câu 3 (2,0 điểm) Trình bày tính chất của phản xạ có điều kiện.

Câu 4 (3,0 điểm) Phân biệt tuyến nội tiết và tuyến ngoại tiết. Hoocmôn có những tính chất nào?

Lời giải chi tiết

Câu 1:

Cấu tạo da gồm 3 lớp: lớp biểu bì, lớp bì và lớp mỡ dưới da.

+ Ngoài cùng là tầng sừng gồm những tế bào chết đã hóa sừng, xếp sít nhau, dễ bong ra.

+ Dưới tầng sừng là lớp tế bào sống có khả năng phân chia tạo ra tế bào mới. trong tế bào có chứa các hạt sắc tố tạo nên màu da. Các tế bào mới sẽ thay thế các tế bào ở lớp sừng bong ra. Phần dưới lớp tế bào sống là lớp bì cấu tạo từ các sợi mô liên kết bền chặt trong đó có các thụ quan, tuyến mồ hôi, tuyến nhờn, lông và bao lông, cơ co chân lông mạch máu.

+ Lớp mỡ dưới da chứa mỡ dự trữ, có vai trò cách nhiệt.

Khi làm căn cước công dân (giấy chứng minh nhân dân trước đây) bắt buộc phải lấy vân tay vì dấu vân tay của mỗi người là duy nhất, không có sự trùng lặp kể cả trong một cặp song sinh. Dấu vân tay là phương pháp xác định danh tính cá nhân đã được áp dụng từ rất lâu bởi độ chính xác cao. Dấu vân tay được sử dụng rất phổ biến trong điều tra phá án.

Câu 2:

Các tật của mắt: cận thị, viễn thị, loạn thị, lão thị (gần giống viễn thị)

Cận thị:

+ Nguyên nhân: do bẩm sinh:cầu mắt dài; do học tập, đọc sách báo trong điều kiện thiếu ánh sáng, không giữ đúng khoảng cách trong vệ sinh học đường

+ Cách khắc phục: đeo kính cận (kính phân kì); phẫu thuật giác mạc làm giảm độ cong bề mặt giác mạc

Viễn thị:

+ Nguyên nhân: do cầu mắt ngắn; người già thể thuỷ tinh bị lão hoá

+ Cách khắc phục: phải đeo kính viễn (kính hội tụ); phẫu thuật giác mạc làm tăng độ cong bề mặt giác mạc

Câu 3

Tính chất của phản xạ có điều kiện:

+ Trả lời các kích thích bất kì hay kích thích có điều kiện (đã được kết hợp với kích thích không điều kiện một số lần).

+ Được hình thành trong đời sống cá thể.

+ Dễ mất khi không củng cố.

+ Không có tính chất di truyền, mang tính chất cá thể.

+ Số lượng không hạn định.

+ Hình thành đường liên hệ tạm thời.

+ Trung ương nằm ở võ não.

Câu 4

Phân biệt tuyến nội tiết và tuyến ngoại tiết:

– Tuyến ngoại tiết: Sản phẩm (chất tiết) theo ống dẫn đến các cơ quan xác định hoặc đưa ra ngoài. Ví dụ: tuyến mồ hôi, tuyến nước bọt…

– Tuyến nội tiết: Sản phẩm là các chất tiết (hoocmôn) tiết ra được ngấm thấm thẳng vào máu đưa đến cơ quan đích. Ví dụ: tuyến yên, tuyến giáp…

Hoocmôn có các tính chất:

– hoạt tính sinh học cao

– không mang tính đặc trưng cho loài

– chỉ ảnh hưởng đến một hoặc một số cơ quan xác định.