Đề kiểm tra học kỳ 2 Ngữ văn lớp 9 năm 2022-2023 Phòng GD&ĐT Hoài Đức

Phần I. Viết về vẻ đẹp của quê hương, nhà thơ Y Phương có những câu thơ thật ấn tượng:

         “Rừng cho hoa

         Con đường cho những tấm lòng”.

(Trích Nói với con, Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam 2022)

1, Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa có trong hai câu thơ trên.

2, Ghi lại chính xác những câu thơ có ý nghĩa tương tự hai câu thơ trên của Y Phương trong một bài thơ đã học ở chương trình Ngữ văn lớp 9.

3, Từ niềm tự hào về quê hương, nhà thơ Y Phương đã bộc lộ những xúc cảm mãnh liệt:

         Người đồng mình thô sơ da thịt

         Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

         Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

         Còn quê hương thì làm phong tục

         Con ơi tuy thô sơ da thịt

         Lên đường

         Không bao giờ nhỏ bé được

         Nghe con.

Em hãy viết đoạn văn khoảng 12 câu theo phép lập luận quy nạp làm rõ những điều người cha nói với con trong đoạn thơ trên, trong đó có sử dụng một câu ghép và một câu chứa thành phần phụ chú (gạch dưới, chú thích rõ câu ghép và từ ngữ làm thành phần phụ chú).

Phần II. Đọc văn bản sau rồi trả lời câu hỏi.

Bạn ơi, nếu bạn muốn sống một cuộc đời mà không phạm một chút sai lầm nào, làm gì được nấy, thì đó hoặc là bạn ảo tưởng hoặc là bạn hèn nhát trước cuộc đời.

Một người mà lúc nào cũng sợ thất bại, làm gì cũng sợ sai lầm là một người sợ hãi thực tế, trốn tránh thực tế và suốt đời không bao giờ có thể tự lập được. Bạn sợ sặc nước thì bạn không biết bơi; bạn sợ nói sai thì bạn không nói được ngoại ngữ! Một người mà không chịu mất gì thì sẽ không được gì. Sai lầm cũng có hai mặt. Tuy nó đem lại tổn thất, nhưng nó cũng đem đến bài học cho đời.

Khi tiến bước vào tương lai, bạn làm sao tránh được sai lầm? Nếu bạn sợ sai thì bạn chẳng dám làm gì. Người khác bảo bạn sai chưa chắc bạn đã sai, vì tiêu chuẩn đúng sai khác nhau. Lúc đó bạn chớ ngừng tay, mà cứ tiếp tục làm, dù cho có gặp trắc trở. Thất bại là mẹ của thành công.

Tất nhiên, bạn không phải là người liều lĩnh, mù quáng, cố ý mà phạm sai lầm. Chẳng ai thích sai lầm cả. Có người phạm sai lầm thì chán nản. Có kẻ sai lầm rồi thì tiếp tục sai lầm thêm. Nhưng có người biết suy nghĩ, rút kinh nghiệm, tìm con đường khác để tiến lên.

Những người sáng suốt dám làm, không sợ sai lầm, mới là người làm chủ số phận của mình.

(Theo Hồng Diễm, Ngữ văn 7, tập hai, trang 43, NXB Giáo dục Việt Nam)

1, Chỉ ra một phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn thứ 2 của văn bản.

2, Theo tác giả, vì sao sai lầm cũng có hai mặt?

3, Từ ý nghĩa của văn bản trên, kết hợp với hiểu biết thực tế, em hãy viết một đoạn văn nghị luận khoảng 2/3 trang giấy thi để làm rõ ý kiến: Khi gặp thất bại chúng ta cần biết suy nghĩ, rút kinh nghiệm, tìm con đường khác để tiến lên.