Đề Kiểm Tra Học Kì 1 Sinh Lớp 7 Năm 2020-2021 – Trường THCS Điện Biên

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 1 SINH LỚP 7 NĂM 2020-2021

UBND QUẬN BÌNH THẠNH

TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ ĐIỆN BIÊN

ĐỀ BÀI

Câu 1: (2đ) Em hãy trình bày đặc điểm chung và vai trò của ngành động vật nguyên sinh?

Câu 2: (2đ) Em hãy mô tả hình dạng, cấu tạo ngoài của thủy tức? Trình bày đặc điểm dinh dưỡng của thủy tức?

Câu 3: (2đ) Em hãy cho biết cấu tạo của sán lá gan thích nghi với đời sống kí sinh

Câu 4: (1đ) Ý nghĩa của lớp vỏ đối với tôm sông?

Câu 5: (3đ) Nhiều ao đào thả cá, nhưng trai không thả mà tự nhiên có, tại sao như vậy? Vậy sự có mặt của trai trong ao hồ đó có hại hay có lợi cho con người. Nếu có lợi thì em hãy nêu một số lợi ích của trai đem lại cho con người?


ĐÁP ÁN VÀ LỜI GIẢI CHI TIẾT

Câu 1:

Đặc điểm chung của ngành Động vật nguyên sinh là:

– Cơ thể có kích thước hiển vi.

– Cơ thể chỉ có cấu tạo 1 tế bào (đơn bào) nhưng đảm nhiệm mọi chức năng sống.

– Là sinh vật nhân thực

– Sinh sản vô tính theo kiểu phân đôi.

– Phần lớn: dị dưỡng; di chuyển bằng chân giả, lông bơi hoặc roi, một số không di chuyển.

Vai trò của động vật nguyên sinh là:

– Làm thức ăn cho động vật nhỏ, đặc biệt là giáp xác nhỏ sống trong nước.

– Chỉ thị về độ sạch của môi trường nước.

– Làm sạch môi trường nước.

– Là vật chỉ thị cho các tầng đất có dầu lửa.

– Có ý nghĩa về mặt địa chất.

– Gây bệnh cho người và động vật.

Câu 2: Hình dạng, cấu tạo ngoài của thủy tức

Hình dạng ngoài: Cơ thể hình trụ dài, đối xứng tỏa tròn.

Cấu tạo ngoài: Gồm 2 phần:

+ Phần trên có lỗ miệng, xung quanh có các tua miệng tỏa ra.

+ Phần dưới gọi là đế, bám vào giá thể.

Dinh dưỡng:

– Tua miệng thủy tức chứa nhiều tế bào gai có chức năng tự vệ và bắt mồi. Khi đói, thủy tức vươn dài đưa tua miệng khắp xung quanh. Khi chạm phải mồi (chẳng hạn rận nước) thì lập tức tế bào gai ở tua miệng phóng ra làm tê liệt con mồi. Vòi tua có gai dính con mồi đưa vào miệng rồi nuốt vào bụng rồi thực hiện quá trình tiêu hóa ngoại bào. Thủy tức thải bã ra ngoài qua lỗ miệng.

– Sự trao đổi khí ở thủy tức được thực hiện qua thành cơ thể

Câu 3:

Đặc điểm cấu tạo của sán lá gan thích nghi với đời sống kí sinh là:

– Cơ thể dẹp, hình lá → chống lại các lực tác động của môi trường kí sinh, dễ luồn lách trong cơ thể vật chủ.

– Cơ dọc, cơ vòng, cơ lưng bụng phát triển → chun giãn, phồng dẹp để chui rúc trong môi trường kí sinh.

– Mắt và lông bơi tiêu giảm → do không cần đến các cơ quan này

– Các giác bám phát triển → bám chắc vào môi trường kí sinh.

– Hầu có cơ khỏe → hút khỏe và lấy được nhiều chất dinh dưỡng từ vật chủ.

– Cơ quan tiêu hóa tiêu giảm chỉ còn 2 nhánh ruột, không có hậu môn → trực tiếp hấp thu chất dinh dưỡng vào cơ thể giúp tiêu hóa nhanh.

– Hệ sinh dục phát triển, lưỡng tính, ấu trùng cũng có khả năng sinh sản → sinh sản liên tục, số lượng trứng lớn đảm bảo duy trì thế hệ trong môi trường không thuận lợi.

Câu 4:

Cơ thể tôm được bao bởi vỏ cứng bao bọc → giúp bảo vệ cơ thể tôm, vừa là bộ xương ngoài để bảo vệ cơ thể vừa làm chỗ bám cho hệ cơ bên trong.

Sắc tố có trong thành phần của vỏ kitin ở tôm giúp tôm có thể thay đổi máu sắc bên ngoài cơ thể để phù hợp với màu của môi trường sống, và nhờ vậy tôm có thể tránh khỏi sự phát hiện của kẻ thù và tìm mồi.

Chỗ tiếp giáp giữa các đốt, phần vỏ mềm hơn  → tạo khớp động để cơ thể cử động thuận lợi .

Dù vậy, tôm phải lột xác nhiều lần vì lớp vỏ cấu tạo bằng kitin rất cứng, không đàn hồi: ngăn cản sự phát triển của tôm sông

Câu 5:

Khi nuôi cá mà không thả trai, nhưng trong ao vẫn có trai là vì ấu trùng trai thường bám vào mang và da cá. Khi cá được thả vào ao, chúng mang theo ấu trùng trai, sau đó ấu trùng trai phát triển thành trai bình thường.

Sự có mặt của trai có lợi cho con người.

Ví dụ:

– Trai sông giúp làm sạch môi trường nước

– Làm thực phẩm cho con người

– Làm đồ trang sức, khảm mĩ nghệ có giá trị: ngọc trai,…

 

Subscribe
Nhận thông báo
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận