Đề Kiểm Tra Học Kì 1 Sinh Lớp 7 Năm 2020-2021 – Phòng GD&ĐT Hải Hậu

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 1 SINH LỚP 7 NĂM 2020-2021

PHÒNG GD&ĐT HẢI HẬU

ĐỀ BÀI

Phần I. Trắc nghiệm (2đ)

Hãy chọn câu trả lời đúng nhất trong các câu hỏi dưới đây và ghi kết quả vào bài làm

Câu 1: Nơi kí sinh của trùng kiết lị là:

A. Thành ruột

B. Bạch cầu

C. Máu

D. Hồng cầu

Câu 2: Đặc điểm không có ở động vật là

A. Có cơ quan di chuyển

B. Có hệ thần kinh và giác quan

C. Có thành xenlulozơ ở tế bào

D. Lớn lên và sinh sản

Câu 3: Trùng sốt rét có lối sống:

A. Bắt mồi

B. Kí sinh

C. Tự dưỡng

D. Tự dưỡng và bắt mồi

Câu 4: Động vật nguyên sinh có đặc điểm

A. Không gây bệnh cho người và động vật khác

B. Di chuyển bằng tua

C. Cơ thể chỉ là 1 tế bào đảm nhiệm mọi chức năng sống

D. Chỉ sinh sản hữu tính

Câu 5: Kiểu đối xứng cơ thể của các động vât thuộc ngành Ruột khoang là:

A. Đối xứng 2 bên

B. Đối xứng theo chiều lưng bụng

C. Đối xứng tỏa tròn

D. Đối xứng theo chiều trước sau

Câu 6: Cơ thể sứa có dạng

A. Hình trụ

B. Hình dù

C. Hình cầu

D. Hình que

Câu 7: Môi trường sống của thủy tức là:

A. Nước ngọt

B. Nước mặn

C. Nước lợ

D. Trên cạn

Câu 8: Loài ruột khoang nào có cơ thể hình trụ, kích thước khoảng từ 2cm đến 5cm, có nhiều tua miệng xếp đối xứng và có màu rực rỡ như cánh hoa?

A. Thủy tức

B. San hô

C. Sứa

D. Hải quỳ

Phần II. Tự luận (8đ)

Câu 1 (3đ)

a. Trình bày cấu tạo ngoài của châu chấu.

b. Tập tính bắt mồi của nhện được thể hiện qua các thao tác nào?

c. Nêu cấu tạo và ý nghĩa của vỏ cơ thể tôm sông?

Câu 2 (2,5đ)

Trình bày vòng đời phát triển của giun đũa. Để phòng chống bệnh giun đũa chúng  ta có biện pháp gì?

Câu 3 (2,5đ)

Hãy kể tên những loài đại diện của ngành Thân mềm và cho biết vai trò của ngành Thân mềm đối với tự nhiên và đời sống con người?


ĐÁP ÁN VÀ LỜI GIẢI CHI TIẾT

Phần I. Trắc nghiệm (2đ)

Câu 1: Nơi kí sinh của trùng kiết lị là: thành ruột.

Đáp án A

Câu 2: Đặc điểm không có ở động vật là C, động vật không có thành tế bào, thành xenlulôzơ có ở tế bào thực vật.

Đáp án C

Câu 3: Trùng sốt rét có lối sống: kí sinh trong hồng câu.

Đáp án B

Câu 4: Động vật nguyên sinh có đặc điểm: Cơ thể chỉ là 1 tế bào (đơn bào) đảm nhiệm mọi chức năng sống.

A sai, trùng sốt rét, trùng kiết lị… gây bệnh cho người

B sai, chúng có thể không di chuyển hoặc di chuyển bằng roi, lông bơi, chân giả

D sai, chúng chủ yếu sinh sản vô tính

Đáp án C

Câu 5: Kiểu đối xứng cơ thể của các động vât thuộc ngành Ruột khoang là: Đối xứng tỏa tròn

Đáp án C

Câu 6: Cơ thể sứa có dạng hình dù.

Đáp án B

Câu 7: Môi trường sống của thủy tức là: nước ngọt

Đáp án A

Câu 8: Hải quỳ có cơ thể hình trụ, kích thước khoảng từ 2cm đến 5cm, có nhiều tua miệng xếp đối xứng và có màu rực rỡ như cánh hoa.

A sai, thủy tức không có màu sặc sỡ và kích thước con trưởng thành chỉ 1,5 cm

B sai, San hô thường sống thành tập đoàn tạo nên các rạn có kích thước lớn

C sai, sứa có dạng hình dù chứ không phải hình trụ, màu sắc của sứa có thể trong suốt cũng có thể có màu sặc sỡ.

Đáp án D

Phần II. Tự luận (8đ)

Câu 1:

a. Đặc điểm cấu tạo ngoài của châu chấu là :

Cơ thể chia làm 3 phần : đầu, ngực, bụng.

+ Đầu: có 1 đôi râu, mắt kép, cơ quan miệng kiểu nghiền.

+ Ngực: có 3 đôi chân khớp, 2 đôi cánh,

+ Bụng: gồm nhiều đốt, mỗi đốt đều có lỗ khí.

b. Tập tính bắt mồi của nhện được thể hiện qua các thao tác: chăng lưới và bắt mồi

Chăng lưới: Chăng dây tơ khung, chăng dây tơ phóng xạ, chăng các sợi tơ vòng, chờ mồi (thường ở trung tâm lưới)

Bắt mồi: Khi rình bắt mồi, nếu có sâu bọ sa lưới, nhện lấp tức hành động ngay:

– Nhện ngoạm chặt mồi, chích nọc độc.

– Tiết dịch tiêu hóa vào cơ thể mồi

– Trói chặt mồi rồi treo vào lưới để một thời gian

– Nhện hút dịch lỏng ở con mồi

c.

Đặc điểm cấu tạo vỏ tôm:

– Vỏ cơ thể tôm cấu tạo bằng kitin. Nhờ có thêm canxi nên vỏ tôm cứng cáp, có tác dụng như bộ xương (còn gọi là bộ xương ngoài).

– Vỏ tôm chứa các sắc tô làm tôm có thể thay đổi màu sắc.

Ý nghĩa:

– Nhờ có lớp vỏ kitin giàu canxi làm nhiệm vụ che chở bảo vệ cơ thể và chỗ bám cho hệ cơ phát triển.

– Sự hiện diện của các sắc tố có khả năng đổi màu, giúp tôm bảo vệ cơ thể, tự vệ trốn tránh kẻ thù và thích ứng tốt với môi trường sống.

Câu 2:

* Vòng đời giun đũa:  Trứng theo phân ra ngoài, gặp ẩm và thoáng khí phát triển thành ấu trùng trong trứng → Người ăn phải → Trứng giun đến ruột non ấu trùng chui ra → vào máu đi qua gan → tim → phổi rồi về lại ruột non mới chính thức ký sinh ở đấy.

Vòng đời của giun đũa

* Cách phòng chống bệnh giun đũa:

– Vệ sinh cá nhân thật tốt.

– Ăn chín uống sôi, sạch sẽ, không ăn rau sống chưa qua sát trùng, không uống nước lã, rửa tay trước khi ăn. Thức ăn phải đế trong lồng bàn, vệ sinh sạch sẽ (tay, chân và đồ dùng trong nhà không để bụi bám vào)

– Tẩy giun sán định kỳ, nhất là ở trẻ em.

– Vệ sinh môi trường, trừ diệt ruồi nhặng, xây hố xí (nhà vệ sinh) phải bảo đảm vệ sinh một cách khoa học.

– Khi mắc bệnh phải dùng thuốc tẩy giun theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc.

Câu 3:

Một số đại diện: trai, hến, ốc, sên, bạch tuộc, mực…

Vai trò:

+ Làm thực phẩm cho con người: mực, bạch tuộc, ốc, trai, hến…
+ Nguyên liệu xuất khẩu: mực, bạch  tuộc
+ Làm thức ăn cho động vật: ốc
+ Làm sạch môi trường nước: trai
+ Làm đồ trang trí, trang sức: trai (ngọc), ốc (vỏ)
+ Có ý nghĩa địa chất: vỏ ốc, vỏ trai

Tác hại:

+ Làm vật chủ trung gian truyền bệnh giun sán: ốc, trai, sên
+ Làm hại cây trồng…: sên, ốc sên

Subscribe
Nhận thông báo
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận