Giải đề thi học kì 2 Sinh lớp 11 năm học 2020-2021 THPT Ngô Gia Tự – Đắk Lắk

Câu 1:

Sinh sản hữu tính ở hầu hết động vật là một quá trình gồm ba giai đoạn nối tiếp là:

A. giảm phân hình thành tinh trùng và trứng – thụ tinh tạo thành hợp tử.

B. giảm phân hình thành tinh trùng và trứng – thụ tinh tạo thành hợp tử – phát triển phôi thành cơ thể mới.

C. giảm phân hình thành tinh trùng và trứng – phát triển phôi và hình thành cơ thể mới

D. phát triển phôi và hình thành cơ thể mới – thụ tinh tạo thành hợp tử – giảm phân hình thành tinh trùng và trứng.

Câu 2:

Khi nói về lợi ích của cây mọc từ cành chiết so với cây mọc từ hạt, có bao nhiêu phát biểu sau đây đúng?

(1) Đặc tính di truyền giống mẹ.

(2) Cây con dễ chăm sóc.

(3) Cùng lúc tạo được nhiều cây con từ một cây mẹ.

(4) Có rễ ngay trên cây mẹ nên các cây mọc từ cành chiết dễ thích nghi với môi trường biến đổi.

(5) Thời gian thu hoạch sớm.

A. 2.

B. 5.

C. 4.

D. 3.

Câu 3:

Người ta nuôi cấy da người để chữa cho các bệnh nhân bị bỏng da. Đây là hình thức

A. Nuôi mô sống.

B. Sinh sản phân mảnh.

C. Nhân bản vô tính.

D. Sinh sản nảy chồi.

Câu 4:

Trong sinh sản sinh dưỡng ở thực vật, cây mới được tạo ra

A. chỉ từ một phần thân của cây.

B. từ một phần của cơ quan sinh dưỡng của cây.

C. chỉ từ rễ của cây.

D. chỉ từ lá của cây.

Câu 5

Ở nữ giới, hoocmôn nào sau đây sẽ kích thích quá trình sinh trứng

A. GnRH, FSH, LH, estrogen, progesteron.

B. GnRH, FSH, LH, tiroxin.

C. GnRH, FSH, LH, progesteron.

D. GnRH, FSH, LH, testosteron.

Câu 6:

Nhược điểm của hình thức đẻ con so với đẻ trứng là

A. Hiệu suất sinh sản thấp hơn.

B. Luôn cần phải có 2 cá thể bố và mẹ tham gia và quá trình sinh sản.

C. Cơ thể cái chi phối nhiều năng lượng cho sự phát triển của con.

D. Con non yếu nên tỉ lệ sống sót thấp.

Câu 7:

Để điều khiển làm tăng tốc độ sinh sản ở động vật, biện pháp nào sau đây không được áp dụng?

A. Tiêm hoocmôn.

B. Nuôi cấy phôi.

C. Thụ tinh nhân tạo.

D. Gây đột biến.

Câu 8:

Nhóm động vật nào sau đây có hình thức sinh sản vô tính.

A. Giun đất, côn trùng.

B. Ong, thủy tức, trùng đế giày.

C. Ếch, bò sát, côn trùng.

D. Cá, thú, chim.

Câu 9:

Thụ tinh kép ở thực vật có hoa là sự kết hợp của

A. hai nhân giao tử đực với nhân của trứng và nhân cực trong túi phôi tạo thành hợp tử và nhân nội nhũ.

B. hai bộ NST đơn bội của giao tử đực và giao tử cái (trứng) trong túi phôi tạo thành hợp tử có bộ NST lưỡng bội.

C. nhân 2 giao tử đực và giao tử cái (trứng) trong túi phôi tạo thành hợp tử.

D. hai tinh tử với trứng ở trong túi phôi.

Câu 10:

Khi nói về đặc điểm sinh sản vô tính ở động vật, có bao nhiêu phát biểu sau đây đúng?

(1) chỉ cần một cá thể gốc.

(2) cá thể mới luôn được hình thành từ trứng không đực của cá thể gốc.

(3) không có sự thụ tinh giữa giao tử đực và giao tử cái.

(4) có sự tham gia giữa hai cá thể khác giới.

(5) dựa trên quá trình nguyên phân.

A. 2.

B. 4.

C. 3.

D. 1.

Câu 11:

Điều không đúng với sinh đẻ có kế hoạch là điều chỉnh

A. số con.

B. sinh con trai hay con gái.

C. thời điểm sinh con.

D. khoảng cách sinh con.

Câu 12:

Muốn ghép cành đạt hiệu quả cao thì phải cắt bỏ hết lá ở cành ghép. Mục đích chính của việc cắt bỏ hết lá là để

A. Tiết kiệm chất dinh dưỡng cung cấp cho lá.

B. Tập trung nước nuôi các cành ghép.

C. Tránh gió mưa làm bay cành ghép.

D. Loại bỏ sâu bệnh trên cành ghép.

Câu 13:

Sinh sản vô tính ở động vật là gì? Cơ sở tế bào họ của sinh sản vô tính ở động vật?

Câu 14:

Quả và hạt có nguồn gốc từ đâu?

Câu 15:

Khác nhau cơ bản giữa thụ tinh ngoài và thụ tinh trong? Hình thức thụ tinh nào có ưu điểm hơn, vì sao?

Câu 16:

Kể tên các hoocmôn trực tiếp tham gia kích thích sinh tinh trùng? Các hoocmôn ảnh hưởng đến sinh tinh trùng như thế nào?

Câu 17:

Tại sao trong giai đoạn mang thai của người phụ nữ trứng lại không rụng?

Câu 18:

Tại sao phá thai không được xem là biện pháp sinh đẻ có kế hoạch mà chỉ là biện pháp tránh đẻ bất đắc dĩ.

Lời giải chi tiết

Câu 1:

Sinh sản hữu tính ở hầu hết động vật là một quá trình gồm ba giai đoạn nối tiếp là giảm phân hình thành tinh trùng và trứng – thụ tinh tạo thành hợp tử – phát triển phôi thành cơ thể mới.

Đáp án B

Câu 2:

Chiết cành là phương pháp nhân giống vô tính dựa trên cơ sở sinh sản vô tính ở thực vật, làm cho một cành hay một đoạn cành ra rễ trên cây, sau đó tách khỏi cây mẹ, đem trồng thành cây mới. Do đó chiết cành có đầy đủ 5 đặc điểm trên.

Đáp án B

Câu 3:

Nuôi cấy da người để chữa cho các bệnh nhân bị bỏng da là ứng dụng từ nuôi cấy mô sống.

Đáp án A

Câu 4:

Trong sinh sản sinh dưỡng ở thực vật, cây mới được tạo ra từ một phần của cơ quan sinh dưỡng của cây như rễ, thân, lá, cành, …

Đáp án B

Câu 5

Ở nữ giới, hoocmôn nào sau đây sẽ kích thích quá trình sinh trứng GnRH, FSH, LH, estrogen, progesteron.

Tiroxin là hoocmôn điều hòa quá trình sinh trưởng.

Testosteron là hoocmôn tham gia điều hòa sinh tinh.

Đáp án A

Câu 6:

Hầu hết các động vật đẻ con, phôi thai phát triển trong cơ thể mẹ nhờ dinh dưỡng nhận từ cơ thể mẹ, qua nhau thai nên cơ thể cái chi phối nhiều năng lượng cho sự phát triển của con.

Đáp án C

Câu 7:

Để điều khiển làm tăng tốc độ sinh sản ở động vật, các biện pháp được sử dụng là tiêm hoocmôn, nuôi cấy phôi và thụ tinh nhân tạo.

Không dùng cách gây đột biến vì đột biến thường gây chết ở động vật.

Đáp án D

Câu 8:

Các động vật sinh sản vô tính là: ong (trinh sinh), thủy tức (nảy chồi), trùng đế giày (phân đôi).

Đáp án B

Câu 9:

Thụ tinh kép ở thực vật có hoa là sự kết hợp của hai nhân giao tử đực với nhân của trứng và nhân cực trong túi phôi tạo thành hợp tử và nhân nội nhũ.

Đáp án A

Câu 10:

(1) đúng vì chỉ cần cá thể mẹ trong sinh sản vô tính sẽ tạo ra một hoặc nhiều cá thể con giống mình.

(2) sai vì cá thể mới có thể được tách ra từ cơ thể mẹ hoặc được hình thành từ một mảnh cơ thể mẹ hoặc trứng không đực.

(3) đúng vì sinh sản vô tính không có sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng.

(4) sai vì không cần quá trình thụ tinh trong sinh sản hữu tính.

(5) đúng vì hầu hết mọi trường hợp, sinh sản vô tính dựa trên phân bào nguyên nhiễm.

Đáp án C

Câu 11:

Sinh đẻ có kế hoạch là điều chỉnh về số con, thời điểm sinh con và khoảng cách sinh con sao cho phù hợp với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình, xã hội, không phải là điều chỉnh giới tính con cái.

Đáp án B

Câu 12:

Khi mới ghép phần mô dẫn của cành ghép và gốc ghép chưa được nối liền do đó việc cung cấp nước từ gốc lên cành ghép bị hạn chế; vì vậy người ta thường cắt hết lá ở cành ghép để hạn chế sự thoát hơi nước trong khi nước cung cấp còn thiếu đảm bảo đủ nước cho cành ghép phát triển.

Đáp án B

Câu 13:

Sinh sản vô tính là kiểu sinh sản mà một cá thể sinh ra một hoặc nhiều cá thể mới giống hệt mình, không có sự kết hợp giữa tinh trùng và tế bào trứng.

Các hình thức sinh sản vô tính ở động vật: phân đôi, nảy chồi, phân mảnh, trinh sinh.

Ở hầu hết mọi trường hợp, sinh sản vô tính dựa trên phân bào nguyên nhiễm, các tế bào phân chia và phân hóa để tạo ra các cá thể mới.

Câu 14:

– Noãn thụ tinh (chứa hợp tử và tế bào tam bội) phát triển thành hạt. Hạt gồm có vỏ hạt, phôi và nội nhũ:

+ Hợp tử phát triển thành phôi.

+ Tế bào tam bội phát triển thành nội nhũ (phôi nhũ). Hạt cây Một lá mầm có nội nhũ, hạt cây Hai lá mầm không có nội nhũ.

– Quả do bầu nhụy phát triển thành. Bầu nhụy dày lên, chuyên hóa như một cái túi chứa hạt, bảo vệ hạt và giúp hạt phát tán.

Câu 15:

Khác nhau cơ bản giữa thụ tinh ngoài và thụ tinh trong:

– Thụ tinh ngoài: trứng gặp tinh trùng và thụ tinh ở bên ngoài cơ thể con cái. Con cái đẻ trứng vào môi trường nước còn con đực xuất tinh dịch lên trứng để thụ tinh. Không có quá trình giao phối giữa con đực và con cái.

– Thụ tinh trong: trứng gặp tinh trùng và thụ tinh ở trong cơ quan sinh dục của con cái. Vì vậy, thụ tinh trong phải có quá trình giao phối giữa con đực và con cái.

Thụ tinh trong có nhiều ưu điểm hơn so với thụ tinh ngoài:

– Thụ tinh ngoài có hiệu quả thụ tinh thấp do tinh trùng phải bơi trong nước để gặp trứng, chịu tác động rất lớn của môi trường lên chất lượng tinh trùng và trứng, đây là một trong những lí do giải thích tại sao động vật thụ tinh ngoài thường đẻ rất nhiều trứng.

– Thụ tinh trong: tinh trùng được đưa vào trong cơ quan sinh dục của con cái, thụ tinh xảy ra trong cơ thể con cái, hạn chế ít nhất ảnh hưởng của môi trường lên quá trình thụ tinh nên hiệu quả thụ tinh cao hơn.

Câu 16:

Các hoocmôn trực tiếp tham gia kích thích sinh tinh trùng:

– Vùng dưới đồi tiết ra GnRH kích thích tuyến yên tiết FSH và LH.

– FSH kích thích ống sinh tinh sản xuất tinh trùng.

– LH kích thích tế bào kẽ tiết ra hoocmôn testostêrôn.

– Testostêrôn cũng kích thích ống sinh tinh sản sinh ra tinh trùng. Tuy nhiên ở nồng độ cao, testostêrôn ức chế ngược vùng dưới đồi và tuyến yên, gây giảm tiết GnRH, FSH và LH.

Câu 17:

Nồng độ ơstrogen và progesteron tăng sớm trong thời kỳ mang thai do buồng trứng liên tục sản sinh ra chúng. Sau 9 đến 10 tuần mang thai, chính rau thai sản sinh ra một lượng lớn ơstrogen và progesteron để giúp duy trì niêm mạc tử cung phát triển dày lên với sự làm tổ của thai nhi. Ơstrogen và progesteron nồng độ cao sẽ ức chế vùng dưới đồi và tuyến yên, giảm tiết GnRH, FSH và LH. Do đó nang trứng không thể chín và rụng.

Câu 18:

Phá thai không được coi là biện pháp sinh đẻ có kế hoạch. Phá thai có thể giúp được phụ nữ tránh sinh con ngoài ý muốn trong những trường hợp người phụ nữ con quá trẻ, cơ thể không đủ sức mang thai hoặc khi người phụ nữ đang bị bệnh tim mạch, nhiễm HIV hoặc khi người phụ nữ đã sinh quá nhiều con, …

Tuy nhiên phá thai có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với người phụ nữ như mất nhiều máu, viêm nhiễm cơ quan sinh dục, có thể gây vô sinh, thậm chí tử vong.

Subscribe
Nhận thông báo
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận