Đề thi học kì 1 lớp 11 môn Văn THPT Nguyễn Khuyến – Quảng Nam năm học 2022 – 2023

Đề bài

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Y nhìn đằng sau, Hà Nội lùi dần như muốn bỏ y. Đời y cũng lùi dần. Biết bao nhiêu là ước vọng cao xa khi còn ngồi trên ghế nhà trường! Cái đầu tóc mới nuôi có bao giờ thèm mong sau này làm một ông phán tầm thường, mắt cận thị và lưng gù, tháng tháng lĩnh lương về nuôi vợ, nuôi con? Y sẽ đỗ thành chung, y sẽ đỗ tú tài, y sẽ vào đại học đường, y sang Tây… Y sẽ thành một vĩ nhân đem theo những sự thay đổi lớn lao đến cho xứ sở mình. Ra khỏi trường, y thấy mình gần như là một phế nhân. Vào Sài Gòn, y đã làm một kẻ lông bông.

Tuy vậy, mấy năm ở Sài Gòn cũng là một quãng thời gian đẹp của y. Ít ra, y cũng hăm hở, y đã náo nức, y đã mong chờ…Ít ra, y cũng còn làm được một việc gì, còn kiếm nổi bát cơm của mình ăn. Nhưng nay mai, mới thật buồn. Y sẽ chẳng có việc gì làm, y sẽ ăn bám vợ! Đời y sẽ mốc lên, sẽ gỉ đi, sẽ mòn, sẽ mục ra ở một xó nhà quê. Người ta sẽ khinh y, vợ y sẽ khinh y, chính y sẽ khinh y. Rồi y sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống!…

(Trích Sống mòn, Nam Cao, Tuyển tập Nam Cao, Nxb Văn học, 1998, tr.98)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích. (0.75 điểm)

Câu 2. Chỉ ra các chi tiết miêu tả ước vọng cao xa khi còn ngồi trên ghế nhà trường của nhân vật.(0.75 điểm)

Câu 3. Hiệu quả của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong câu văn: Ra khỏi trường, y thấy mình gần như là một phế nhân. (1.0 điểm)

Câu 4. Qua đoạn trích, anh/ chị hãy rút ra một bài học có ý nghĩa cho bản thân.(0.5 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Phân tích cảnh cho chữ trong đoạn trích sau:

Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vắng có tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián.

Trong một không khí khói toả như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc toả cay mắt, làm họ dụi mắt lia lịa.

Một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực. Thay bút con, đề xong lạc khoản, ông Huấn Cao thở dài, buồn bã đỡ viên quản ngục đứng thẳng người dậy và đĩnh đạc bảo:

– Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Thoi mực, thầy mua ở đâu mà tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?… Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi.

Lửa đóm cháy rừng rực, lửa rụng xuống nền đất ẩm phòng giam, tàn lửa tắt nghe xèo xèo.

Ba người nhìn bức châm, rồi lại nhìn nhau.

Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.

(Trích Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân, Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr. 113-114)

Đáp án

I. ĐỌC HIỂU(3.0 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính là tự sự

Câu 2: – Y sẽ đỗ thành chung, y sẽ đỗ tú tài, y sẽ vào đại học đường, y sang Tây..

-Y sẽ thành một vĩ nhân đem theo những sự thay đổi lớn lao cho xứ sở mình.

Câu 3: So sánh: y thấy mình “như một phế nhân”.

-> cho thấy sự bất lực, chán nản, buồn bã, thất vọng về bản thân của nhân vật.

Câu 4. Bài học có ý nghĩa cho bản thân: Chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống. Bởi vì nếu như ta chấp nhận một cuộc sống luôn ở trong vùng an toàn của chính, không chịu hy sinh cũng không không chịu bỏ ra bất cứ nỗ lực nào, chưa dám theo đuổi ước mơ, chưa dám sống cuộc đời mà mình thực sự mong muốn thì lúc ấy, ta chỉ đang tồn tại mà thôi, chứ không hề sống. Đó chính là nỗi khổ của chúng ta gây ra cho mình. Ta không dám dũng cảm theo đuổi ước mơ, xây dựng cuộc đời nên ta làm cho sự tồn tại của mình chỉ giống như đang tồn tại mà thôi.