Đề kiểm tra học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 2022-2023

Đề bài:

Câu 1. (3,0 điểm) Đọc hiểu:

Đọc đoạn văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Ở Nhật Bản, khi một cái bát bị nứt vỡ, họ dùng vàng gắn lại những mảnh vỡ để tạo thành một tác phẩm nghệ thuật mới. Người Nhật tin rằng, khi một thứ gì đó bị tổn thương và mang trong mình một lịch sử, nó sẽ đẹp hơn. Vì thế, thay vì vứt một cái bát vỡ đi, họ sẽ gắn lại những mánh vỡ bằng vàng. Thay vì tìm cách che dấu đi những vết nứt vỡ, họ dùng vàng để làm chúng nổi bật lên như một cách để ca tụng và biến chúng thành điểm nhấn của cả chiếc bát.

Con người cũng vậy. Tắt cả những khó khăn, thương tổn bạn đã hoặc đang phải trải qua không làm cho bạn xấu xí hơn. Bạn có quyền lựa chọn để sơn lên những thương tổn ấy của mình một lớp vàng. Bạn hoàn toàn có thể vực mình dậy và rút ra bài học từ những vấp váp ấy để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Bạn hoàn toàn có thể tự hào về những vết sẹo từ những tổn thương của mình và nói rằng: “Hãy nhìn những gì tôi đã trải qua. Nhờ chúng mà tôi trở thành tôi của ngày hôm nay. Giờ không có gì là tôi không thể vượt qua.”

[…]

Đổ vỡ không có gì đáng sợ cả, vấp ngã ai mà chưa từng, đứng lên đi tiếp hay ngồi yên tại chỗ ngã than khóc mới là điều bạn cần phải chọn lựa. Đừng vì một lần đồ vỡ mà bỏ luôn cả một đoạn đường dài phía trước, chỉ cần bạn không ngừng tìm kiếm, thì sớm muộn gì cũng đạt được hạnh phúc và thành công.

(Nguồn https:/kenhphunu.com/danh-cho-ai-da-tung-do-vo.html) “

a. (0.5 điểm) Theo văn bản, vì sao người Nhật Bản lại dùng vàng gắn lại những mảnh vỡ của cái bát bị nứt vỡ?

b. (0.5 điểm) Anh/chị hiểu như thế nào về các từ ngữ: đổ vỡ, tổn thương, vấp ngã được đề cập đến trong văn bản?

c. (1.0 điểm) Anh/chị có đồng ý với ý kiến: Tất cả những khó khăn, thương tổn bạn đã hoặc đang phải trải qua không làm cho bạn xấu xí hơn hay không? Tại sao?

d. (1.0 điểm) Khi bị tổn thương, vấp ngã, anh/chị chọn đứng lên đi tiếp hay ngồi yên tại chỗ ngã than khóc? Tại sao?

Câu 2. (2.0 điểm) Viết đoạn nghị luận xã hội

Từ nội dung phần Đọc hiệu ở trên, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày cách thức để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Câu 3. (5.0 điểm) Viết bài nghị luận văn học

“Từ trên tàu bay mà nhìn xuống Sông Đà, không ai trong tàu bay nghĩ rằng cái dây thừng ngoằn nghèo dưới chân mình kia lại chính là cái con sông hàng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò Sông Đà. Cũng không ai nghĩ rằng đó là con sông của đồng dao thần thoại Sơn Tinh Thủy Tinh “Núi cao sông hãy còn dài – Năm năm báo oán đời đời đánh ghen”. Hình như khi mà ta đã quen đọc bản đồ sông núi, thì mỗi lúc ngồi tàu bay trên chiều cao mà nhìn xuống đất nước Tổ quốc bao la, cũng thây quen thuộc với từng nét sông tãi ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây dưới chân mình. Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm, Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về. Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng Sông Đà đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phiết vào bản đồ lai chữ.”

(Nguyễn Tuân, Người lái đò sông Đà, SGK Ngữ văn 12, tập 1, NXBGD 2012)

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của Sông Đà từ trên tàu bay nhìn xuống. Từ đó, nhận xét về cái tôi tài hoa uyên bác của Nguyễn Tuân được thể hiện trong văn bản.