Đề kiểm tra cuối học kỳ 2 Ngữ văn 12 năm 2022-2023 Trường THPT Phan Ngọc Hiển – Cà Mau (có lời giải)

Đề bài

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Nếu bước chân vào bất kì bệnh viện nào và hỏi bác sĩ về “bệnh vô cảm”, chắc chắn bạn sẽ không nhận được câu trả lời. Bởi đó là căn bệnh tồn tại ngoài xã hội chứ không phải đơn thuần trên giường bệnh. “Bệnh vô cảm” là tình trạng chai sạn của tâm hồn, là thái độ sống thờ ơ, lãnh đạm trước những gì diễn ra xung quanh mình. Đáng sợ hơn là nó diễn ra ngay cả trước những đau khổ, mất mát của con người. Một ngày, bạn không còn biết yêu thương và cũng không căm ghét, không cảm nhận được hạnh phúc và cũng  không động lòng trước đau khổ, không có khát vọng sống có ý nghĩa… thì ắt hẳn, bạn đang có những “triệu chứng” của căn bệnh vô cảm đáng sợ kia. Nó không làm con người ta đau đớn hay chết đi về thể xác nhưng lại làm trái tim và tâm hồn chết dần trong sự lạnh lẽo. Và phải chăng “cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời, sự mất mát lớn nhất là bạn để tâm hồn tàn lụi ngay khi còn sống” như lời Nooc-man Ku-sin đã khẳng định?

(Theo Bài tập ngữ văn 12, Tập hai, NXB GD, 2013).

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2. Theo tác giả, những “triệu chứng” của căn bệnh vô cảm là gì?

Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về câu nói của Nooc-man Ku-sin: “cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời, sự mất mát lớn nhất là bạn để tâm hồn tàn lụi ngay khi còn sống”?

Câu 4: Thông điệp sống có ý nghĩa nhất mà anh/ chị rút ra từ văn bản trên.

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm): Từ đoạn trích trong phần Đọc hiểu, anh (chị) hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trả lời câu hỏi: Mỗi người cần làm những gì để “tâm hồn không tàn lụi ngay khi còn sống”?

Câu 2 (5,0 điểm):

Hãy đọc  đoạn trích dưới đây:

Hồn Trương Ba: (sau một lát) Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!

Đế Thích: Sao thế? Có gì không ổn đâu!

Hồn Trương Ba: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.

Đế Thích: Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông. Ông đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào. Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì của ông đâu!
Hồn Trương Ba: Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!

(Trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, tr.149).

Hãy phân tích khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn trích trên. Từ đó, trình bày suy nghĩ của anh/ chị về vấn đề: con người cần được sống là chính mình.

ĐÁP ÁN

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

 

ĐỌC – HIỂU

0,5

 

1

Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như Đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời không đúng : không cho điểm.

0,5

2

Theo tác giả những “triệu chứng” của căn bệnh vô cảm: không còn biết yêu thương và cũng không căm ghét, không cảm nhận được hạnh phúc và cũng không động lòng trước đau khổ, không có khát vọng sống có ý nghĩa…

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án:0,5 điểm.

– Học sinh trả lời 1 ý: 0,25 điểm

0,5

3

Ý nghĩa của câu nói:

Theo Nooc-man, cái chết không phải là điều đáng sợ nhất mà tâm hồn chai sạn, lụi tàn khiến cuộc sống con người bất hạnh hơn cái chết.

Hướng dẫn chấm:

–  Học sinh trả lời  được 2 ý: 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời được 1 trong 2  ý: 0,75 điểm

– Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời được: 0 điểm

1,0

4

HS có thể trình bày quan điểm cá nhân, thông điệp có ý nghĩa, phù hợp với chuẩn mực đạo đức. Lập luận chặt chẽ, thuyết phục. Mỗi người cần ý thức sâu sắc về mối nguy hại của bệnh vô cảm để phòng chống căn bệnh này.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh nêu được thông điệp, lập luận thuyết phục : 1,0 điểm

– Học sinh nêu thông điệp nhưng lập luận không chặt chẽ, không thuyết phục : (0,5 – 0,75 điểm)

– Học sinh nêu được thông điệp chưa sát thực, lập luận không thuyết phục 0,25 điểm

1,0

II

 

LÀM VĂN

 

 

1

Suy nghĩ của bản thân về vấn đề: Mỗi người cần làm những gì để “tâm hồn không tàn lụi ngay khi còn sống”

2,0

a. Đảm bảo cấu trúc của một đoạn văn nghị luận: Có đủ các phần mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn (trong đó mở đoạn nêu được vấn đề, thân đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề).

0,25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Mỗi người cần làm những gì để “tâm hồn không tàn lụi ngay khi còn sống”

0,25

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; Thí sinh vận dụng các thao tác lập luận để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách, có thể trình bày theo một vài gợi ý sau:

– Để “tâm hồn không tàn lụi ngay khi còn sống” mỗi người cần biết tự bồi đắp cho mình những giá trị sống tốt đẹp: lòng nhân ái, sự sẻ chia, lối sống vì cộng đồng,…

– Việc tự bồi đắp, làm giàu có tâm hồn ở mỗi người không tách rời với việc nuôi dưỡng, biết lan tỏa những giá trị sống tốt đẹp không chỉ ở ngay trong bản thân mình mà còn ở người khác.

Hướng dẫn chấm:

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng (1,0 điểm)

– Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (0,75 điểm)

– Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,25 – 0,5 điểm)

Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1,0

 

 

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (sử dụng từ ngữ, viết câu, diễn đạt,…), thể hiện sự suy nghĩ sâu sắc và mới mẻ về vấn đề nghị luận.

0,25

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

0,25

 

2

Phân tích khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn trích. Từ đó, trình bày suy nghĩ của anh/ chị về vấn đề: con người cần được sống là chính mình.

5,0

 

 

a.     Đảm bảo cấu trúc của bài văn nghị luận

Mở bài: giới thiệu được vấn đề, Thân bài: triển khai vấn đề; Kết bài: khái quát vấn đề

0,25

 

 

b.     Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phân tích khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn trích và trình bày suy nghĩ về vấn đề: con người cần được sống là chính mình.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm.

 Học sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề nghị luận: 0,25 điểm.

0,5

 

 

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

3,5

 

 

* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm

  • Giới thiệu tác giả Lưu Quang Vũ và vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt
  • Giới thiệu đoạn trích trong đề bài
  • Giới thiệu vấn đề nghị luận: con người cần được sống là chính mình.

0,5

 

 

* Phân tích khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba

  • Khát vọng được thoát ra khỏi nghịch cảnh phải sống nhờ trong thân xác anh hàng thịt:
    • Ý thức được tình cảnh trớ trêu là phải sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo.
    • Thấm thía nỗi đau khổ và không chấp nhận tình trạng vênh lệch giữa hồn và xác. Các từ ngữ: không thể tiếp tục, không thể được, không thể trong lời thoại của Trương Ba cho thấy thái độ kiên quyết, dứt khoát của nhân vật.
  • Khát vọng được sống là chính mình:
    • Muốn là mình một cách toàn vẹn; thể xác và linh hồn hòa hợp; bên trong và bên ngoài, suy nghĩ và hành động thống nhất.
    • Mong muốn một cuộc sống có ý nghĩa, không chấp nhận sự dung tục, tầm thường: Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!

* Đánh giá

  • Khát vọng của Hồn Trương Ba đã cho ta thấy vẻ đẹp tâm hồn của con người trong cuộc đấu tranh chống lại sự dung tục, giả tạo; bảo vệ quyền được sống là chính mình; hướng đến sự hoàn thiện nhân cách.
  • Khát vọng của Hồn Trương Ba được thể hiện sâu sắc nhờ ngôn ngữ kịch hấp dẫn, giàu sức khái quát và tính triết lí.

* Bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn đề: con người cần được sống là chính mình

  • Thế nào là được sống là chính mình? Nghĩa là khi con người sống đúng với những giá trị bản thân, với những cảm xúc, khát vọng của chính mình, với đam mê và nhiệt huyết của bản thân. Vì sao con người cần được sống là chính mình?
  • Bởi lẽ, cuộc đời con người là cả một hành trình dài. Và trên hành trình ấy, ta phải gặp biết bao hạng người, đối mặt với nhiều khó khăn, có lúc ta hạnh phúc, có lúc ta quỵ ngã. Nếu sống đúng, sống chân thật thì bản thân thì mọi người sẽ ở bên ta lúc mệt mỏi, chia sẻ với ta những niềm vui, nỗi buồn. Hơn nữa, cuộc đời thực khác với những thứ ảo ảnh, phù phiếm, không ai có thể diễn kịch cho bản thân trong vai diễn cuộc đời. Mỗi người có một tích cách khác nhau, nhu cầu khác nhau. Không thể áp đặt lối sống, phong cách của người này đối với người khác. Sống đích thực với bản thân khiến con người ta thoải mái hơn, tự nhiên và tự tin hơn.
  • Trái ngược với sống đích thực, sống đúng với bản thân là cách sống giả tạo, sống hình thức. Nghĩa là mỗi người tự tạo cho mình một lớp vỏ bọc giả dối để đánh lừa người khác, nhằm thõa mãn thú vui nhất thời của bản thân và hậu quả cuối cùng là người đó tự đào thải chính mình ra khỏi xã hội.
  • Làm thế nào để con người được sống là chính mình: đối với mỗi học sinh, mỗi bạn trẻ trong hành trang vào đời của mình phải trang bị những tri thức, kĩ năng để luôn chủ động, linh hoạt trước những biến thiên của cuộc sống, luôn giữ vững cá tính và phong cách của bản thân. Sống hoà nhập nhưng không hoà tan, sống theo cá tính, phong cách riêng nhưng không lập dị, khác thường, con người sẽ có được hạnh phúc thực sự.

1,75

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1,0

 

 

 

– Đánh giá chung về giá trị tác phẩm

– Khẳng định quan niệm sống đúng đắn.

0,25

 

 

 

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh phân tích đầy đủ, sâu sắc: 3,5 điểm

– Học sinh phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu sắc: 1,75 điểm  – 3,25 điểm.

– Học sinh phân tích chung chung, chưa rõ các biểu hiện: 1,0 điểm – 1,75 điểm

– Học sinh phân tích sơ lược, không rõ các biểu hiện: 0,25 điểm – 1,0 điểm

 

d.     Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt

0,25

e.     Sáng tạo

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận.

0,5

 

 

ĐIỂM TOÀN BÀI THI: I + II = 10,0 ĐIỂM

10,0