Phương pháp giải Các dạng bài tập đột biến gen

1. Dạng 1: Nhận biết đột biến gen

Với dạng bài này các em cần chú ý định nghĩa đột biến gen, thể đột biến. Xác định được gen có đột biến hay không.

Đột biến gen là những biến đổi nhỏ xảy ra trong cấu trúc của gen.

Một cơ thể được coi là thể đột biến khi gen đột biến được biểu hiện ra thành kiểu hình. Gen bị đột biến thành gen lặn thì thể đột biến được biểu hiện ở trạng thái đồng hợp lặn. Gen đột biến trội được biểu hiện ngay.

Ví dụ: Gen A bị đột biến thành gen lặn a. Kiểu hình bình thường có kiểu gen là AA hoặc Aa, thể đột biến có kiểu gen aa.

Nếu gen b bị đột biến thành gen B thì kiểu hình bình thường sẽ có kiểu gen bb, thể đột biến có kiểu gen B- (Bb hoặc BB.)

2. Dạng 2: Xác định dạng đột biến gen

Để xác định được các dạng đột biến các em cần chú ý :

  • Đột biến thêm, mất sẽ làm thay đổi chiều dài của chuỗi nuclêôtit, chuỗi polipeptit.
  • Đột biến đảo vị trí các cặp nuclêôtit hoặc thay thế cặp A — T bằng T — A; thay cặp G-X bằng X-G không làm thay đổi chiều dài gen đột biến và tỉ lệ nuclêôtit.
  • Đột biến thay thế không làm thay đổi chiều dài của gen nhưng thay đổi số liên kết hiđrô.
  • Thuật ngữ đột biến điểm là đột biến thường chỉ liên quan đến 1 cặp nuclêôtit. Đột biến điểm gồm đột biến thêm, mất và thay thế một cặp nuclêôtit.
  • Đột biến thêm, mất một cặp nuclêôtit sẽ tạo đột biến dịch khung, tức là toàn bộ các axit amin từ vị trí đột biến trở về sau sẽ bị thay đổi.
  • Đột biến tạo ra bộ ba kết thúc sẽ làm chuỗi polipeptit ngắn đi đột ngột.

Khi biết dạng đột biến, ta có thể sắp xếp lại các mã di truyền, từ đó suy ra được sự thay đổi của cấu trúc phân tử prôtêin.

3. Dạng 3: Xác định sản phẩm tạo ra của quá trình đột biến

Trong bài toán cho sẵn đột biến mất, thêm, thay thế ở một vị trí nhất định nào đó, thì các bạn đặc biệt nên ghi nhớ các bộ ba kết thúc (UAA , UAGUGA) để xác định sản phẩm được tạo ra từ các gen bị đột biến.

Một phần đáng chú ý khi giải các bài tập này là các bạn nên:  

– Xác định được mạch đã cho trong bài là mạch gốc hay mạch bổ sung của phân tử ADN, tức là mạch nào là mạch tạo ra sản phẩm.

– Chú ý chiều bắt đầu dịch mã trên mARN là từ chiều 5’ – 3’. 

4. Dạng 4: Tính số nuclêôtit trong gen đột biến (tham khảo)

Khi gen bị đột biến thì số lượng nuclêôtit trong gen thường bị biến đổi so với ADN và gen ban đầu. Để xác định số lượng từng loại nuclêôtit của gen sau đột biến, thì các em nên vận dụng các công thức có liên quan đến cấu tạo của ADN.

  • Xác định số nuclêôtit mỗi loại của gen ban đầu.
  • Xác định dạng đột biến.
  • Suy ra số nuclêôtit mỗi loại của gen đột biến.