Đề kiểm tra cuối kì 1 môn Sinh lớp 9 trường THCS Lê Chân năm học 2021 – 2022

Đề kiểm tra cuối kì 1 môn Sinh lớp 9 trường THCS Lê Chân, UBND Quận Lê Chân năm học 2021 – 2022

I. TRẮC NGHIỆM (6 điểm)

Câu 1: Kì nào sau đây được xem là thời kì sinh trưởng của tế bào trong quá trình nguyên phân.

A. Kì đầu.

B. Kì trung gian.

C. Kì giữa.

D. Kì sau

Câu 2: Bộ NST lưỡng bội 2n của loài có trong

A. tế bào sinh dưỡng, tế bào mầm, giao tử.

B. hợp tử, tế bào sinh dưỡng, tế bào mầm.

C. hợp tử, tế bào mầm, giao tử.

D. tế bào mầm, hợp tử, giao tử.

Câu 3: Các loại ARN được tổng hợp dựa trên khuôn mẫu của:

A. phân tử prôtêin

B. phân tử ARN mẹ

C. phân tử ADN

D. ribôxôm

Câu 4: Thể 1 nhiễm là thể mà trong tế bào sinh dưỡng có hiện tượng:

A. Thiếu 1 NST ở một cặp tương đồng nào đó

B. Thừa 1 NST ở một cặp tương đồng nào đó

C. Thiếu 2 NST ở một cặp tương đồng nào đó

D. Thừa 2 NST ở một cặp tương đồng nào đó

Câu 5: Đột biến là gì?

A. Biến đổi xảy ra trong kiểu gen.

B. Biến đổi xảy ra do môi trường.

C. Sự thay đổi kiểu hình của sinh vật.

D. Biến đổi xảy ra trong ADN và NST.

Câu 6: Trật tự phân bố của các gen trong một NST có thể bị thay đổi do đột biến.

A. thể đa bội.

B. đảo đoạn NST.

C. thể đơn bội.

D. gen.

Câu 7: Người bị hội chứng Đao có số lượng NST trong tế bào sinh dưỡng là:

A. 47 NST.

B. 45 NST.

C. 46 NST.

D. 48 NST.

Câu 8: Tại sao đột biến cấu trúc thường gây hại cho bản thân sinh vật?

A. Vì do phá vỡ cấu trúc nhiễm sắc thể hoặc làm thay đổi số lượng và cách sắp xếp các gen trên đó.

B. Vì hầu hết thể đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể bị chết.

C. Vì thể đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể đều có kiểu hình không bình thường.

D. Vì khó gây đột biến nhân tạo.

Câu 9: Ở người nếu mất đoạn nhiễm sắc thể số 21 sẽ mắc:

A. bệnh ung thư máu

B. hội chứng Đạo.

C. bệnh hồng cầu liềm.

D. hội chứng TớcNơ.

Câu 10: Ở sinh vật, đột biến gen lặn chỉ biểu hiện ra kiểu hình trong trường hợp nào?

A. Khi quá trình tổng hợp Protein bị rối loạn.

B. Khi gặp điều kiện môi trường thuận lợi.

C. Cấu trúc của gen bị biến đổi gây ảnh hưởng đến kiểu gen.

D. Ở thể đồng hợp và khi gặp điều kiện môi trường thích hợp.

Câu 11: Trong tế bào sinh dưỡng của cây ngô (2n = 20), đột biến ở dạng (2n + 2) có số lượng NST là bao nhiêu?

A. 18

B. 20

C. 22

D. 24

Câu 12: Prôtêin thực hiện được chức năng của mình chủ yếu ở những bậc cấu trúc nào?

A. Cấu trúc bậc 1.

B. Cấu trúc bậc và bậc 2.

C. Cấu trúc bậc 3 và bậc 4.

D. Cấu trúc bậc 2 và bậc 3.

II. TỰ LUẬN (4 điểm)

Bài 1 (1đ): Đột biến gen là gì? Nêu các dạng đột biến gen?

Bài 2 (1,5đ): Cho trình tự nuclêôtit trên một mạch của một đoạn ADN như sau:

-G-A-X-T-A-X-G-X-T-G-

a. Viết trình tự nuclêôtit trên mạch bổ sung với nó.

b. Viết trình tự nuclêôtit trên mạch ARN được tổng hợp từ mạch trên.

Bài 3 (1,5đ): Một phân tử ADN có tổng số nuclêôtit là 18000 nuclêôtit, trong đó loại Ađênin là 360 nuclêôtit. Hãy xác định

a. Số chu kỳ xoắn và chiều dài của phân tử ADN

b. Số nuclêôtit từng loại trong phân tử ADN.

 

Lời giải chi tiết

I. TRẮC NGHIỆM

Câu 1: Kì trung gian là thời kì sinh trưởng của tế bào trong quá trình nguyên phân.

Đáp án B

Câu 2: Bộ NST lưỡng bội 2n của loài có trong hợp tử, tế bào sinh dưỡng, tế bào mầm.

Giao tử có bộ NST đơn bội n.

Đáp án B

Câu 3: Các loại ARN được tổng hợp dựa trên khuôn mẫu của phân tử ADN.

Đáp án C

Câu 4: Thể 1 nhiễm là thể mà trong tế bào sinh dưỡng có hiện tượng: Thiếu 1 NST ở một cặp tương đồng nào đó, kí hiệu là 2n – 1.

Đáp án A

Câu 5: Đột biến là biến đổi xảy ra trong ADN và NST.

Đáp án D

Câu 6: Trật tự phân bố của các gen trong một NST có thể bị thay đổi do đột biến đảo đoạn NST.

Đáp án B

Câu 7: Người bị hội chứng Đao có 3 NST số 21 (kí hiệu 2n + 1), nên có số lượng NST trong tế bào sinh dưỡng là: 47 NST

Đáp án A

Câu 8: Đột biến cấu trúc thường gây hại cho bản thân sinh vật vì nó phá vỡ cấu trúc nhiễm sắc thể hoặc làm thay đổi số lượng và cách sắp xếp các gen trên đó. Thường dẫn đến kiểu hình không bình thường.

Đáp án A

Câu 9: Ở người nếu mất đoạn nhiễm sắc thể số 21 sẽ mắc: bệnh ung thư máu ác tính.

Đáp án A

Câu 10: Ở sinh vật, đột biến gen lặn chỉ biểu hiện ra kiểu hình khi ở thể đồng hợp và khi gặp điều kiện môi trường thích hợp.

Đáp án D

Câu 11: Đột biến ở dạng (2n + 2) ở cây ngô có số lượng NST là 20 + 2 = 22 NST.

Đáp án C

Câu 12: Prôtêin thực hiện được chức năng của mình chủ yếu ở bậc 3 và 4

Đáp án C

II. TỰ LUẬN (4 điểm)

Bài 1:

Đột biến gen là những biến đổi trong cấu trúc của gen liên quan tới một hoặc một số cặp nuclêôtit.

Có 3 dạng đột biến gen cơ bản : Mất, thêm, thay thế một hoặc một số cặp nuclêôtit.

Bài 2:

a. Viết trình tự nuclêôtit trên mạch bổ sung với nó.

Mạch gốc: -G-A-X-T-A-X-G-X-T-G-

Mạch BS: -X-T-G-A-T-G-X-G-A-X-

b. Viết trình tự nuclêôtit trên mạch ARN được tổng hợp từ mạch trên.

Mạch gốc: -G-A-X-T-A-X-G-X-T-G-

Mạch ARN: -X-U-G-A-U-G-X-G-A-X-

Bài 3:

a. Một chu kỳ xoắn của phân tử ADN có 20 nuclêôtit

Số chu kỳ xoắn của phân tử ADN là: 18000 : 20 = 900

Chiều dài của phân tử ADN là: L = N/2×3,4 = 18000 : 2 x 3,4 = 30600 Å

b. Ađênin = 360 nuclêôtit

Mà A + G = 50%N → ta có G = N/2 – A = 18000 : 2 – 360 = 8640 nuclêôtit

→ A = T = 360 nuclêôtit

G = X = 8640 nuclêôtit